Tranh cãi về bồi thường 5.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Đông Á
Sáng 16/3, phiên xử ông Trần Phương Bình (64 tuổi, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB); Phùng Ngọc Khánh (60 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C) và 6 bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên DAB tiếp tục với phần tranh luận.
Đại diện VKS bảo lưu quan điểm trong phần luận tội hôm qua, cho rằng ông Bình có vai trò cao nhất trong các sai phạm. Vì muốn che giấu tình trạng nợ xấu, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống cho 5 công ty con của nhóm M&C tiếp tục vay 1.680 tỷ đồng để đảo nợ. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng hơn 62.000 m2 đất thuộc dự án 7,6 ha ở phường An Phú, quận 2 (nay là TP Thủ Đức) TP HCM nhưng hợp đồng thế chấp chưa được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo. Ngoài ra, ông Bình còn bảo lãnh cho M&C vay hai khoản trị giá 146 tỷ đồng để thanh toán tiền gốc và lãi lô trái phiếu khi tài sản đảm bảo không đủ điều kiện. Việc này gây thiệt hại cho DAB tổng cộng hơn 5.500 tỷ đồng.
Do đó, VKS xác định ông Bình phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất, đề nghị tòa phạt 20 năm tù về Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Còn bị cáo Khánh là người thực hành tích cực giúp sức cho Bình nên có vai trò thấp hơn (mức án đề nghị 18-19 năm tù), song bị cáo là người sử dụng toàn bộ số tiền DAB giải ngân, nên về dân sự phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại (tính đến thời điểm khởi tố vụ án).
Nêu quan điểm, đại điện DAB đồng tình một phần với VKS - tức buộc ông Khánh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, song cho rằng số tiền thiệt hại phải được tính bao gồm cả gốc và lãi đến thời điểm toà đưa vụ án ra xét xử chứ không phải khởi tố vụ án.
DAB tiếp tục đề nghị toà kê biên, phát mãi 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 2,6 triệu cổ phần của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (Tòa nhà Sài Gòn One Tower) là tài sản thế chấp cho các khoản vay để đảm bảo việc thi hành án.
Phản đối quan điểm của VKS và đại diện DAB, bị cáo Khánh nói, nguồn cơn của sai phạm là do sự tác động của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2012 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Lãi suất cho vay lên tới 20-24% trong khi thị trường bất động sản đóng băng nên doanh nghiệp của mình không có khả năng trả.
Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M&C, để tránh áp lực nợ xấu, ông Bình tiếp tục cho các công ty của mình vay để đảo nợ, nên chỉ đạo nhân viên thực hiện. "Bị cáo không phải là người có tính quyết định trong việc giải ngân dẫn đến sai phạm mà chỉ là đồng phạm. Do vậy nghĩa vụ bồi thường trong vụ án phải được xác định là liên đới và tùy theo vai trò của từng người", ông Khánh nói.
Về thiệt hại của vụ án, ông Khánh và luật sư của mình đồng ý với khoản nợ gốc là 1.826 tỷ đồng, nhưng không đồng ý với cách tính lãi suất của DAB khiến phần lãi chiếm đến 70% thiệt hại của vụ án.
Cụ thể, luật sư Nguyễn Vũ Điềm phân tích, hợp đồng tín dụng thỏa thuận lãi suất 15% và sẽ điều chỉnh theo từng giai đoạn, việc điều chỉnh phải được gửi thông báo cho bên vay. Tuy nhiên, DAB xác định lãi suất qúa hạn để tính thiệt hại là 22,5%/năm và không điều chỉnh. Phía ngân hàng đơn phương đưa ra mức lãi suất mà chưa được nhóm các Công ty M&C xác nhận nợ. "Trên cơ sở cách tính lãi này, các cơ quan tố tụng đã áp dụng cho việc tính thiệt hại của vụ án là chưa thỏa đáng", luật sư Điềm nói.
Luật sư và bị cáo Khánh cũng không đồng ý bồi thường cho phía ngân hàng đến thời điểm vụ án đưa ra xét xử. Họ cho rằng, việc các cơ quan tách vụ án làm nhiều giai đoạn để giải quyết khiến vụ án kéo dài. Yêu cầu của phía ngân hàng là không có căn cứ chấp nhận và gây bất lợi cho bị cáo.
Trước đó, bào chữa cho ông Bình, luật sư Phan Trung Hoài đồng tình với quan điểm của VKS. Ông nói rằng, trong vụ án này xác định rõ nguồn tiền được giải ngân cho nhóm các Công ty M&C thụ hưởng để đảo nợ. Ông Bình cũng như các cán bộ nhân viên DAB không hưởng lợi nên họ không có trách nhiệm phải bồi thường.
Đến trưa nay, các bên bảo lưu quan điểm, phiên tòa kết thúc phần tranh luận. Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận mình là người có vai trò cao nhất nên xin chịu mọi trách nhiệm. Ông xin lỗi các bị cáo là cán bộ, nhân viên DAB vì thực hiện theo chỉ đạo của mình mà vướng vào vụ án nên mong tòa xem xét giảm nhẹ cho họ.
Bị cáo Khánh cũng xin tòa xem xét lại về việc tính thiệt hại của vụ án cũng như trách nhiệm bồi thường để có khả năng khắc phục. Các bị cáo khác xin HĐXX xem xét hoàn cảnh phạm tội theo chỉ đạo của cấp trên, không hưởng lợi... để giảm nhẹ hình phạt nhất có thể.
HĐXX nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào chiều 17/3.
Theo vnexpress.net