Tin Tức

Tin Tức

Cần sòng phẳng để giải quyết thách thức trong đảm bảo điện

[Đọc tin tức hằng ngày cùng Diệp Luật sư]
Với các nguồn cấp chính đang gặp khó khăn, gồm thủy điện bị hạn nặng, nhiệt điện bị sự cố và suy giảm công suất, truyền tải không vượt giới hạn đường dây, khiến miền Bắc (gồm cả Hà Nội) phải cắt điện luân phiên trong những ngày qua. Điều này diễn ra đúng thời gian Quốc hội họp cũng cho thấy bước đường cùng của ngành điện.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi câu chuyện thiếu điện này cùng phóng viên Báo Đầu tư.

Là nhà kinh tế, ông thấy tình hình mất điện gần đây có phải là không thể dự báo trước?

Phải nhìn thấy thực tế là miền Bắc gần 10 năm qua đã có sự tăng trưởng nhanh, nhất là các vùng trọng điểm khi thu hút đầu tư mạnh. Điều này khiến nhu cầu điện cũng cần nhiều hơn, nhưng lại không có nhiều nguồn mới được bổ sung.

Chúng ta nói tới nguyên nhân như nắng nóng và hạn hán, nhưng thực ra, điều này không phải không dự báo được.

Tiếp đó là không có nguồn mới, không có nguồn dự phòng ở khu vực này, nên phải huy động hết các nguồn theo kiểu “giật gấu vá vai”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Như thế, đây không phải là thông minh, năng động gì cả.

Ngay đường truyền tải thì cũng không truyền nổi điện đang dư thừa ở miền Trung, miền Nam ra miền Bắc vì năng lực chỉ có vậy.

Nhưng tất cả những điều trên đều nhìn thấy trước được và kết quả là năm nay thiếu điện đã diễn ra và sẽ tiếp tục thiếu điện trong thời gian tới.

Điều này có nguyên nhân do nhiều dự án đã có trong Quy hoạch Điện VII và VII điều chỉnh đã không hoàn thành đầu tư, thậm chí giậm chân tại chỗ.

Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn, theo tôi, là hệ thống của chúng ta không phản ứng, biết rồi nhưng lại không hành động. Đây mới là cốt lõi.

Việc hệ thống không vận hành như vậy cần được mổ xẻ sâu hơn và rành mạch, nếu không sẽ lại vẫn thiếu điện.

Chúng ta thấy, dù có chỉ đạo quyết liệt, thì cũng may lắm cứu được 3 tổ máy nhiệt điện than đang hỏng hóc để đưa vào hoạt động lại.

Vì vậy, cần thay đổi cách thức làm chính sách, vận hành chính sách và tiếp cận vấn đề để thay đổi tình trạng đang diễn ra. Có vậy mới may ra không thiếu điện trong tương lai.

Một số doanh nghiệp ở miền Bắc đã phải chấp nhận tiết giảm, dừng sản xuất vì không được cấp điện thời gian gần đây. Ông có thấy điều này đau lòng không?

Đầu tiên phải nhìn thấy thực tế là mấy năm gần đây, Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế đã được cải thiện ngoạn mục, từ thứ hạng 156 vào năm 2013 lên vị trí 27 vào năm 2019. Sau đó, Ngân hàng Thế giới (WB) không xếp hạng nữa.

Điều này có sự đóng góp của việc cung cấp điện ổn định do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm nhiệm. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực này đã “đổ sông, đổ biển” khi chúng ta chứng kiến cảnh cắt điện gần đây.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, khủng hoảng thiếu điện diễn ra vì ta đã áp đặt giá bán điện thấp hơn giá thị trường, nên nhà đầu tư không muốn làm.

Khi giá thấp thì nhà đầu tư không có động lực để đầu tư. Việc đàm phán giá bán điện với EVN cũng rất khó khăn vì EVN không thể mua điện cao hơn so với mức giá bán ra được Nhà nước quy định để gây lỗ.

Trong khi đó nhu cầu điện vẫn tăng mà không có nguồn bổ sung mới, gây ra thiếu hụt.

Cũng nhiều năm qua, giá bán lẻ điện bình quân được Nhà nước quy định đã đứng im, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất điện của EVN vẫn tăng và tăng mạnh trong năm 2022. Khi giá bán ra không đủ bù đắp mức tăng của chi phí, thì tất yếu dẫn tới lỗ.

Việc EVN lỗ lớn trong năm 2022, theo công bố của các cơ quan chức năng, chỉ có thể giải quyết bằng 2 cách. Đó là tăng giá để bù lỗ, còn nếu không cho tăng giá, thì ngân sách phải bù khoản đó, bởi không phải EVN kinh doanh yếu kém, mà rõ ràng là do chính sách tạo nên khi giá bán đầu ra do Nhà nước quy định thấp hơn so với giá thành sản xuất.

Cần phải sòng phẳng vậy mới giải quyết được vấn đề. Nếu chúng ta không nhìn vào bản chất và sòng phẳng, thì không bao giờ giải quyết được vấn đề. Những thách thức này thì không phải EVN giải quyết được, mà đã vượt xa thẩm quyền của EVN.

Cái giá mà ta phải trả cho vấn đề này, nếu không giải quyết sớm, sẽ cao hơn nhiều so với chấp nhận giải quyết, bởi nếu ta xử lý, các nhà đầu tư sẽ nghĩ rằng, khi có vấn đề xảy ra sẽ có phương án giải quyết và tin tưởng tương lai có vấn đề sẽ có giải pháp. Còn nếu không xử lý, nhà đầu tư sẽ rất do dự, vì lo ngại tương lai gặp vấn đề thì không có phương án giải quyết.

Vì vậy, cần quyết định mạch lạc, ai vị trí nào, cần quyết định gì phải được làm rõ.

Vậy theo ông, cần giải pháp gì để khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay?

Quy hoạch Điện VIII vừa được ban hành, nhưng giờ chưa rõ thực hiện thế nào và đang phải chờ ban hành kế hoạch hành động. Tôi thấy, cần thay đổi điều này, cần phải tạo ra cách thức để thị trường thực hiện, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Bây giờ rất cần thực tế. Các nhà máy đang dở dang cần phải đẩy nhanh đầu tư, các dự án có chủ đầu tư được phê duyệt rồi thì cần làm, đừng bàn mãi.

Chúng ta không nên đặt ra vòng kim cô cho mình rồi bảo không thể vượt qua. Cần thì phải xây dựng chính sách để thực hiện được, chứ đừng tập trung quá mức vào những điều không thể làm được.

Còn giá điện, cần phải tạo ra động lực để thị trường, các nhà đầu tư thấy đó là cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển, chứ không phải là nút thắt để kìm hãm sự phát triển.

ST