Chi nhánh có được thuê người lao động nước ngoài vào Việt Nam để công tác
Giám đốc chi nhánh có được ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài không? Khi được Tổng giám độc ủy quyền thì Giám đốc chi nhánh có được ký hồ sơ liên quan đến nhập cảnh cho những người lao động này không?
Giám đốc chi nhánh có được ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài không?
Căn cứ Điều 19 Luật Thương mại 2005 quy định về Quyền của Chi nhánh bao gồm:
- Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh.
- Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật này.
- Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.
- Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong các quyền trên thì Chi nhánh có quyền tuyển dụng lao động là người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh.
Giám đốc Chi nhánh có được quyền ký hồ sơ giấy tờ bảo lãnh người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không?
Theo khoản 1 Điều 14 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định thì Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, bao gồm:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;
- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam;
- Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam;
- Tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú.
Như vậy, theo quy định thì Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam mới được quyền mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chi nhánh của doanh nghiệp Việt Nam thì không có tư cách pháp nhân cũng như không thuộc các trường hợp bên trên. Do đó, Giám đốc Chi nhánh không có được quyền ký hồ sơ giấy tờ bảo lãnh người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Mặt khác, căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thì Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, chi nhánh là một phần của doanh nghiệp có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
Đồng thời, theo Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân như sau:
- Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
- Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
- Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
- Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
- Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
- Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện
Như vậy, Người đứng đầu chi nhánh có thể thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền, do đó, để được ký hồ sơ, hoàn tất thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thì người đại diện theo pháp luật của công ty có thể lập văn bản ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh làm đại diện theo ủy quyền của công ty, nhân danh công ty ký hồ sơ liên quan.
LUATCHIMINH