Tin Tức

Tin Tức

Doanh nghiệp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông do vi phạm pháp luật thì cần thực hiện những gì? Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ viễn thông khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước không?

Doanh nghiệp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông do vi phạm pháp luật thì cần thực hiện những gì?

Căn cứ theo khoản 3 Điều 23 Luật Viễn thông 2023 quy định về việc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông như sau:

Ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông

...

2. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ các dịch vụ viễn thông trực tiếp liên quan đến phương tiện thiết yếu, dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường, dịch vụ viễn thông công ích nếu đáp ứng các điều kiện sau đây và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận bằng văn bản:

a) Có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;

b) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông mà không chấm dứt hoạt động thì phải bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, chuyển người sử dụng dịch vụ sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác hoặc thỏa thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ;

c) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ do chấm dứt hoạt động thì phải có biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng trong phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp.

3. Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do doanh nghiệp vi phạm pháp luật, doanh nghiệp phải có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và phương án khắc phục vi phạm, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông.

Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông ngừng kinh doanh dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì doanh nghiệp phải có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và phương án khắc phục vi phạm.

Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông ngừng kinh doanh dịch vụ cần phải báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản.Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ viễn thông khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước không?

Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Viễn thông 2023 quy định về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông như sau:

Từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông

1. Doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã từng vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết với doanh nghiệp viễn thông;

b) Việc cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật;

c) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã bị doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp viễn thông khác về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức trả sau do trốn tránh nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ;

d) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp viễn thông không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết;

b) Thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông. Chính phủ quy định chi tiết Điểm này;

c) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Theo đó, doanh nghiệp viễn thông không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, trong trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp viễn thông có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia có theo nguyên tắc phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông không?

Căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Viễn thông 2023 quy định như sau:

Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia

1. Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được tích hợp vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông nhằm xác định mục tiêu, nguyên tắc, định hướng phát triển thị trường viễn thông, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ, dịch vụ viễn thông và các giải pháp thực hiện.

2. Việc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông; tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến;

c) Bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích;

...

Như vậy, việc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông.

Ngoài ra, việc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia còn phải tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

LUATCHIMINH