Bị chủ đầu tư “bỏ rơi”, cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô gửi đơn kêu cứu
Sau gần 5 năm bị Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu khắc phục hàng loạt vi phạm, đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát chưa chấp hành, bỏ mặc quyền lợi của nhiều người mua nhà.Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội (TN&MT) có văn bản số 4057/STNMT-VPĐKĐĐ gửi Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát - Mã chứng khoán HPX), yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục hàng loạt vi phạm về đầu tư, quy hoạch. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, bỏ mặc quyền lợi của những người mua nhà tại Khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng).
“Quýt làm cam chịu”
Vào các năm 2017, 2018, 2019, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng mua bán căn hộ tại tòa nhà CT2A, CT2B, HHB với chủ đầu tư là Công ty Hải Phát (địa chỉ tại Toà nhà CT4, The Pride, Khu đô thị mới An Hưng, quận Hà Đông, TP.Hà Nội).
Sau khi ký hợp đồng, cư dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bên mua, thanh toán, nhận nhà và sinh sống ổn định. Các giao dịch mua bán nhà ở là hợp pháp, đúng pháp luật, được pháp luật bảo hộ.
Tuy nhiên, Công ty Hải Phát đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) đã được ghi trong hợp đồng. Do đó, nhiều cư dân phải tự liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội để thực hiện thủ tục, kê khai hồ sơ.
Vậy nhưng, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã từ chối, không tiếp nhận, bởi theo văn bản số 4057/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 10/05/2019 của Sở TN&MT TP.Hà Nội gửi Công ty Hải Phát với nội dung: “Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà (3 tòa nhà CT2A, CT2B, HHB)”.
Lý do được đưa ra: “Chờ Công ty Hải Phát hoàn thiện pháp lý dự án (thủ tục về đầu tư; giấy phép quy hoạch; thẩm định thiết kế công trình; nghĩa vụ tài chính).
Ông Phạm Quang Hải, cư dân tòa nhà HHB cho biết: “Hành vi hành chính không tiếp nhận hồ sơ của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, ý kiến tại văn bản số 4057/STNMT-VPĐKĐĐ của Sở TN&MT TP.Hà Nội đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân chúng tôi. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân, vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Hành vi vi phạm của Công ty Hải Phát nếu có vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Nhà nước có thể áp dụng nhiều phương thức để buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng nghĩa vụ khi đầu tư dự án, chứ tại sao lại bắt cư dân chúng tôi phải “gánh” thay vi phạm của chủ đầu tư”.
“Bất động sản là tài sản đặc biệt, phải có đăng ký với Nhà nước. Nếu không được đăng ký thì tài sản là bất động sản sẽ không phát huy được hết giá trị của tài sản. Minh chứng như việc cầm cố, thế chấp, làm tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch với bên thứ ba… Vì không có Giấy chứng nhận, nên chúng tôi không thể khai thác hết giá trị của tài sản, điều này có nghĩa, hành vi hành chính của cơ quan quản lý đang xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân, xâm phạm đến nguồn lực kinh tế của cư dân”, ông Hải phân tích thêm.
Hải Phát không khắc phục vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý triệt để
Dù biết rằng, Công ty Hải Phát chưa khắc phục vi phạm về đầu tư, đất đai, quy hoạch kiến trúc, các nghĩa vụ tài chính…, nhưng trong giai đoạn trước năm 2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Sở TN&MT TP.Hà Nội vẫn cấp Giấy chứng nhận cho khoảng gần 900/924 căn hộ tại các tòa nhà CT2A, CT2B, HHB Khu đô thị Tân Tây Đô.
Minh chứng là, Sở TN&MT TP.Hà Nội đã có văn bản số 9930/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 21/11/2017; văn bản số 2295/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 25/3/2019; văn bản số 4057/STNMT-VPĐKĐĐ ngày 10/05/2019; Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cũng đã có văn bản số 5608/VPĐKĐĐHN-KTĐC ngày 29/6/2018, yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát thực hiện nghĩa vụ, khắc phục vi phạm.
Hiện nay, tại 3 tòa nhà này, còn khoảng 30 hộ dân chưa được cấp Giấy chứng nhận, do vậy, người dân rất cần các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuộc làm rõ và xử lý vi phạm nếu có.
Ông Trần Đức Thiện, cư dân tòa nhà HHB bức xúc: “Tính từ năm 2017 đã là 5 năm, Công ty Hải Phát vẫn không thực hiện khắc phục vi phạm, vẫn duy trì vi phạm, đến nay, công trình vẫn chưa được nghiệm thu để đưa vào sử dụng. Thời gian kéo dài ngày nào, đồng nghĩa với quyền lợi của chúng tôi bị xâm phạm ngày đó. Là những người yếu thế, chúng tôi đã rất nhiều lần có đơn yêu cầu Công ty Hải Phát thực hiện nghĩa vụ, song đều không nhận được hồi đáp”.
Vừa qua, hàng chục người dân chưa được giải quyết quyền lợi đã đồng loạt ký đơn gửi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, với mong muốn vào cuộc xem xét trách nhiệm, xử lý vi phạm của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Sở TN&MT TP.Hà Nội, Công ty Hải Phát, đồng thời giải quyết dứt điểm quyền lợi cho các hộ dân.
Qua phân tích hồ sơ, Luật sư Nguyễn Trọng Quyết cho rằng, theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật Nhà ở năm 2014 thì “cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua…” sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Còn tại Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua… thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, thì Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội phải có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
“Việc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát làm sai thì doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm với Nhà nước khi đầu tư dự án, chứ không thể bắt cư dân phải gánh chịu cái sai của doanh nghiệp. Nếu cần thiết, Sở TN&MT Hà Nội phải áp dụng biện pháp khác để buộc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, chứ tuyệt đối không bắt quyền lợi người dân làm “con tin” để buộc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát thực hiện nghĩa vụ.
Do vậy, hành vi “không tiếp nhận hồ sơ” của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, ý kiến tại văn bản số 4057/STNMT-VPĐKĐĐ của Sở TN&MT TP.Hà Nội đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân, đó là hành vi trái pháp luật”.
Theo ông Hồ Sỹ Thắng, Trưởng Ban Quản trị tòa nhà HHB, các căn hộ tại tòa nhà CT2A, CT2B, HHB đã được Công ty Hải Phát bàn giao cho cư dân về ở từ những năm 2014, 2015. Hiện nay, Hải Phát vẫn chưa khắc phục nhiều vi phạm như: Vấn đề về an toàn PCCC; tự chuyển đổi công năng tầng 3 toà nhà từ mục đích thương mại sang căn hộ để ở mà chưa cáo, có sự chấp thuận điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sau đó đã thu hồi lại diện đã bán; dự án chưa được Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng đã bàn giao cho người mua nhà về ở.
“Với những hộ dân chưa được Giấy chứng nhận, tôi cho rằng, Công ty Hải Phát phải có trách nhiệm chính để hoàn thành nghĩa vụ để cấp sổ theo hợp đồng mua bán căn hộ đã ký với người mua nhà. Sở TN&MT Hà Nội trước đây đã cấp hàng trăm Giấy chứng nhận cho cư dân cùng toà, nay cũng phải xem xét để hỗ trợ những cư dân còn lại, để đảm bảo quyền lợi của người dân, theo quy định của pháp luật.
Theo baodautu.vn