LUẬT LAO ĐỘNG

LUẬT LAO ĐỘNG

Mức lương tối thiểu vùng năm 2023 tăng như thế nào?

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động thực hiện công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Vậy mức lương tối thiểu vùng năm 2023 tăng như thế nào? Hãy cùng LUATCHIMINH tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khái quát về lương tối thiểu vùng

Theo Điều 91 của Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu được hiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động thực hiện công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Mức lương tối thiểu được xác định theo từng vùng, tính theo tháng hoặc giờ. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu bao gồm: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, mối liên quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tình hình cung và cầu lao động, tình hình việc làm và thất nghiệp, năng suất lao động, cũng như khả năng chi trả của các doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Điều 2 của Nghị định 38/2022/NĐ-CP áp dụng cho những đối tượng sau:

- Người lao động ký hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động.

- Nhà tuyển dụng, bao gồm doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc theo thỏa thuận.

- Các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

2. Cơ sở của việc tăng lương tối thiểu vùng

Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên một số tiêu chí quan trọng như sau:

- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

- Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường.

- Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung và cầu lao động.

- Tình trạng việc làm và thất nghiệp.

- Năng suất lao động.

- Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trong tháng 4 năm 2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã công bố Công văn liên quan đến việc tăng mức lương tối thiểu vùng. Công văn này đã đề cập đến việc khảo sát mức lương tại 18 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, từ ngày 1/4/2022. Việc khảo sát đã được thực hiện trong vòng một tháng tại 2.000 doanh nghiệp, bao gồm các công ty nhà nước, cổ phần góp vốn nhà nước, FDI và dân doanh.

Các nội dung được khảo sát tại các doanh nghiệp bao gồm quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, ăn ca, số giờ làm việc trung bình của người lao động, chi phí tuyển dụng đào tạo, các khoản phúc lợi, chi tiêu, nhà ở, và quỹ công đoàn. Đồng thời, các chức danh quản lý, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phó phòng ban, lao động chuyên môn nghiệp vụ cũng đã được điều tra về mức lương của họ.

Kết quả của việc khảo sát được sử dụng làm căn cứ cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023. Theo Thông báo 305/TB-VPCP năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã được giao nhiệm vụ thu thập thông tin và tính toán mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, từ đó làm cơ sở để xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm.

Có thể thấy, mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động là một trong những căn cứ quan trọng để xác định mức lương tối thiểu vùng. 

3. Mức lương tối thiểu vùng năm 2023 là bao nhiêu?

Hiện tại, vẫn chưa có thông tin mới về việc tăng mức lương tối thiểu vùng trong năm 2023. Vì vậy, áp dụng cho năm 2023 sẽ là Nghị định 38/2022/N-CP, với quy định cụ thể về mức lương tối thiểu tháng và giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo từng vùng như sau:

Mức 4.680.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

Mức 4.160.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 3.640.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

- Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này quy định danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV. 

- Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng được xác định theo nguyên tắc sau:

+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc một vùng nào thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng đó.

+ Đối với người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, đơn vị hoặc chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng tương ứng.

+ Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp hoặc khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì sẽ áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách sẽ tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

+ Đối với người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn mới được thành lập từ một hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì lúc này sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

+ Đối với người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ một hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với thành phố trực thuộc tỉnh còn lại theo khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Thông tin về tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2023:

Theo quy định thường niên, mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 01/01 của mỗi năm mới. Trong suốt 4 năm gần đây, mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng vào ngày 01/01 hàng năm, sau một chu kỳ điều chỉnh mỗi 1 năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mức lương tối thiểu vùng đã được giữ nguyên từ năm 2020 và áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

Do đó, bởi vì tình hình dịch bệnh đã kéo dài hơn 02 năm, mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp sẽ chỉ được điều chỉnh tăng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 01/7/2022.

Trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quốc hội chỉ đề cập đến việc dành một phần ngân sách để tăng lương cơ sở, tăng lương hưu và một số loại trợ cấp, phụ cấp khác từ ngày 01/7/2023 mà không đề cập đến lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, vì mức lương tối thiểu vùng mới được điều chỉnh tăng trong nửa đầu năm 2022 nên khả năng cao là mức lương tối thiểu vùng sẽ không được tăng trong nửa đầu năm 2023. Điều này cũng có thể sẽ phụ thuộc vào các chính sách mới được Quốc hội và Chính phủ thông qua vào nửa cuối năm 2023.

Hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2023. Vì vậy, tính tới thời điểm hiện tại thì có thể thấy mức lương tối thiểu vùng năm 2023 không tăng và không có sự khác biệt so với năm 2022, vì vậy mức lương tối thiểu vùng vẫn được áp dụng như chúng tôi đã trình bày trên đây.

Trân trọng!

LUATCHIMINH

Lưu ý:

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LUATCHIMINH. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected] hoặc gọi tới Hotline 0375052484;

- Nội dung của bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc.