Phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam: Nhà cung cấp nền tảng trung gian gặp khó
[Đọc tin tức hằng ngày cùng Diệp Luật sư]
Theo ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trường Viện Quản lý Kinh tế trung ương, mô hình kinh tế chia sẻ mới hình thành ở Việt Nam vài năm gần đây nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Hiện tại, có 3 lĩnh vực chính đang thu hút sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ là vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng.
Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện một số lĩnh vực khác như dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh; dịch vụ gọi vốn cộng đồng; dịch vụ y tế từ xa, truyền tải và lưu giữ hình ảnh, chia sẻ dữ liệu hình ảnh phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh.
Cùng với đó là dịch vụ cung cấp hệ thống tài liệu học mở, tài nguyên giáo dục mở, cơ sở thí nghiệm thực hành dùng dịch vụ thu gom, tái chế rác thải...
Ông Cương khẳng định, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế chia sẻ. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam có gần 100 triệu dân với vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa vùng kinh tế sôi động bậc nhất thế giới và công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Chỉ tính riêng lĩnh vực vận tải trực tuyến, theo báo cáo nghiên cứu năm 2022 của Google, Temasek Holdings và Bain&Co, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn 3 lần so với năm 2019 (1 tỷ USD) và dự báo đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện nay, Việt Nam đã điều chỉnh chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài thế hệ mới hướng mạnh tới mục tiêu thu hút những dự án công nghệ cao. Điều này sẽ tạo tiền đề cho nền kinh tế chia sẻ ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, Phó Viện trường Viện Quản lý Kinh tế trung ương lưu ý, mặc dù có nhiều năng phát triển kinh tế chia sẻ song Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Cụ thể, trong nền kinh tế chia sẻ, có sự xuất hiện mối quan hệ giữa ba bên: doanh nghiệp cung cấp nền tảng số (digital platform), người chia sẻ/cung cấp dịch vụ (supplier) và khách hàng (customer) thông qua các hợp đồng tương tác lẫn nhau. Thêm vào đó, còn sự xuất hiện của vai trò quản lý Nhà nước.
Mối quan hệ này sẽ phát sinh các vấn đề pháp lý, như bảo đảm quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vấn đề lao động và việc làm; bảo vệ dữ liệu cá nhân; vấn đề thuế.
Thực trạng này đòi hỏi khung khổ pháp lý quy định trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ hợp đồng này cần được thay đổi và bổ sung.
“Việc quản lý thu thuế đang gặp khó khăn với các nhà cung cấp nền tảng trung gian - là tổ chức, cá nhân nước ngoài không thành lập tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Điều này do quy định của pháp luật chưa xác định rõ mô hình kinh doanh và các cơ chế, chính sách quản lý thuế chưa được hoàn thiện”, ông Cương nhấn mạnh.
Thực tiễn áp dụng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong kinh tế chia sẻ cho thấy, những thiếu sót đặt ra cho hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này xuất phát từ việc không có quy định rõ ràng trong phân định quyền và trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ ba bên đặc thù của kinh tế chia sẻ.
Bởi vậy, để đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong quản lý Nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ, quan trọng nhất là phải xác định rõ quyền, trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ ba bên (bên cung cấp nền tảng số, người cung cấp dịch vụ và khách hàng) của mô hình kinh tế chia sẻ, nhằm xác định rõ vai trò của từng bên trong từng mối quan hệ.
“Việt Nam cần nghiên cứu rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài là bên cung cấp nền tảng kết nối và hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, để xác định lỗ hồng pháp lý và bổ sung, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách”, ông Cương khuyến nghị.
ST