'Siêu lừa' Hà Thành bị đề nghị chung thân trong vụ án 433 tỷ đồng
VKSND Hà Nội đề nghị phạt Nguyễn Thị Hà Thành án chung thân; 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank từ 30 tháng tù treo đến 18 năm tù.
Bản luận tội được VKSND Hà Nội công bố sáng 16/3, sau 7 ngày xét hỏi. VKS nhận định, Hà Thành và 25 bị cáo "cơ bản khai nhận hành vi, thừa nhận cáo buộc hoặc một số nội dung trong cáo trạng".
Trong nhóm 17 cựu cán bộ ngân hàng, Nguyễn Thị Thu Hương (trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank) bị đề nghị mức án cao nhất, 16-18 năm tù, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
VKS xác định hành vi của Hà Thành và nhiều cựu cán bộ ngân hàng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội; phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các tổ chức tín dụng và người gửi tiền.
"Hà Thành là chủ mưu, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng", đại diện VKS đánh giá.
Theo cáo buộc, Hà Thành do làm ăn thua lỗ đã vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước, thành khách VIP của một số ngân hàng. 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank "tiếp tay" Hà Thành lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với khách hàng khác, hứa trả lãi ngoài cao cho họ. Thành sau đó giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.
Về dân sự, tại VietAbank, VKS đề nghị buộc Hà Thành bồi thường cho ngân hàng này 249 tỷ đồng và hai bị hại là khách VIP tổng cộng 14,5 tỷ đồng.
VietAbank có trách nhiệm trả cho các đại gia đồng sở hữu sổ tiết kiệm với Hà Thành, tổng cộng 109 tỷ đồng kèm tiền lãi. Riêng 20 tỷ đồng của đại gia Đặng Nghĩa Toàn, VKS nhận định số này ông cho Thành vay, song cô ra lại dùng để đảm bảo khoản vay tại VietAbank nên cần tiếp tục tạm giữ để giải quyết dân sự vay mượn.
Với số tiền Hà Thành chiếm đoạt của một nữ đại gia ở Lạng Sơn, do bà này đang bị cơ quan công an tách vụ án, điều tra cho vay lãi nặng giao dịch dân sự, VKS đề nghị không xem xét thiệt hại trong vụ án này. VKS yêu cầu VietAbank tiếp tục quản lý tài khoản sổ tiết kiệm của nữ đại gia để phục vụ điều tra.
Các đề nghị tương tự cũng được VKS áp dụng trong với hai ngân hàng còn lại trong vụ án là NCB và PVcombank.
Cụ thể, Hà Thành có nghĩa vụ bồi thường 47,5 tỷ đồng cho NCB và 49,4 tỷ đồng cho PVcombank. 122 tỷ đồng ông Đặng Nghĩa Toàn tại các sổ tiết kiệm đều được VKS đề nghị 3 ngân hàng giữ lại để giải quyết dân sự vay mượn.
Với gần 70 tỷ đồng Hà Thành góp cùng đồng sở hữu trong các hợp đồng tiền gửi tại VietAbank, VKS đề nghị tịch thu để đảm bảo thi hành án.
Trong những ngày xét hỏi trước đó, Hà Thành thừa nhận thông qua mối quan hệ với nhân viên 3 ngân hàng trên để tìm khách VIP rồi thỏa thuận đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm với họ. Các trao đổi giữa ngân hàng và những khách VIP này thế nào, Thành không biết.
Bị cáo khẳng định đã trả được 80 tỷ đồng cả gốc và lãi cho những người này, còn các đại gia phủ nhận, cho hay "chưa nhận một đồng".
17 cựu nhân viên NCB, VietAbank và PVcombank đều thừa nhận "một phần lỗi" khi để siêu lừa lợi dụng những kẽ hở trong thẩm định, làm hồ sơ vay vốn, dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Giải thích cho những vi phạm này, một số bị cáo thuộc NCB và PVcombank nói năng lực chuyên môn chưa tốt. Số khác khẳng định làm đúng quy định, chỉ "hơi thiếu trách nhiệm".
Phần lớn cựu nhân viên VietAbank nói "buộc phải làm sai" dưới áp lực bị dọa đuổi việc. Còn các "sếp" của họ phủ nhận ép nhân viên làm trái quy định. Họ nói chỉ làm việc vì lợi ích chung của ngân hàng, hết lòng làm vừa ý khách VIP là Hà Thành.
Trước việc các tài sản hàng trăm tỷ đồng bị 3 ngân hàng phong tỏa, các đại gia là bị hại và người có quyền, nghĩa vụ liên quan đề nghị ngân hàng trả lại. Họ cho rằng gửi tiền vào ngân hàng do tin tưởng, đồng ý góp tiền vào sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Hà Thành cũng do tin tưởng lời đảm bảo các nhân viên ngân hàng song cuối cùng lại bị phản bội, dẫn đến mất tiền.
Các khách VIP này nói thực hiện đúng thủ tục với ngân hàng, do đó đến hạn cần được trả lại tiền. "Hà Thành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, cô ta phải có trách nhiệm khắc phục, không thể lấy tiền của chúng tôi bù vào", một trong số họ bày tỏ trước tòa.
Cuối phiên xét hỏi, đại diện các ngân hàng đồng loạt xin thay đổi tư cách tố tụng, từ bị hại sang người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Họ khẳng định việc "giam" các sổ tiết kiệm của đại gia do có dấu hiệu dính tới vụ án nghiêm trọng.
Do chữ ký trên các hợp đồng vay nợ, thế chấp sổ tiết kiệm bị Hà Thành giả chính chủ, các ngân hàng đề nghị tuyên toàn bộ các giao dịch liên quan vô hiệu.
"Về lý thuyết, Thành phải trả tiền cho ngân hàng, ngân hàng trả cho khách. Song Thành vay của các đại gia này nên NCB đề xuất khấu trừ theo hướng Thành phải trả cho các đại gia, còn ngân hàng không phải trả", đại diện NCB nêu quan điểm.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 15 ngày, đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Theo vnexpress.net