Tin Tức

Tin Tức

Start-up Việt vươn lên giữa hai cơn sóng lớn

Chưa kịp thở phào sau 2 năm căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, giới khởi nghiệp Việt lại chuẩn bị đối diện với một “mùa đông gọi vốn”.
Nhưng trong nguy luôn có cơ, khó khăn là phép thử để nhiều start-up rèn luyện bản lĩnh, vươn lên chứng tỏ bản thân.
Sóng lớn chồng sóng lớn
Nếu 2019 từng là năm thăng hoa của giới khởi nghiệp Việt Nam khi ghi nhận số vốn “khủng” cũng như số thương vụ được rót vốn nhiều nhất lịch sử, thì dịch Covid-19 nổ ra trong năm 2020 đã thay đổi hoàn toàn bức tranh rực rỡ đó. Đại dịch là phép thử “nặng đô” khiến nhiều start-up gục ngã trước sự lan tràn của loại virus nhỏ xíu hình chiếc vương miện.
Một khảo sát do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) thực hiện vào cuối tháng 4/2020 cho thấy, trong 250 start-up tham gia, có tới 50% xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể. Trong khi đó, 23% start-up cho rằng, đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường; 20% start-up chọn đóng băng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thậm chí, ngay cả các start-up có tên tuổi trong giới khởi nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật này. Soya Garden, chuỗi đồ uống đậu nành hữu cơ từng nhận tổng số vốn hơn 100 tỷ đồng từ nhà đầu tư Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup, đã phải đóng cửa cơ sở cuối cùng tại TP.HCM trong năm 2020, chính thức rút chân khỏi thị trường miền Nam đầy sôi động. Tại Hà Nội, Soya Garden thu hẹp hoạt động và hiện chỉ có 4 cơ sở, theo thông tin công bố trên website chính thức của hãng.
Nhưng tính ra, Soya Garden vẫn may mắn hơn nhiều start-up khác trong giới khởi nghiệp Việt Nam, như Leflair và WeFit. Từng là hai nền tảng công nghệ được đánh giá cao với các vòng gọi vốn thành công hàng triệu USD, Leflair và Wefit lần lượt thông báo đóng cửa vào tháng 2 và tháng 6/2020. Dù hoạt động trong hai lĩnh vực khác nhau, một bên là sàn thương mại điện tử, một bên là nền tảng kết nối người dùng với các phòng gym và spa, Leflair và Wefit gặp nhau ở một điểm chung: kết thúc vì thiếu vốn hoạt động và nợ đối tác hàng trăm tỷ đồng.
Những tưởng Covid-19 đã là phép thử thanh lọc khỏi thị trường hàng loạt start-up không đủ sức chống chọi, thì năm nay, giới khởi nghiệp trên toàn cầu tiếp tục đối diện với tình trạng vốn đầu tư siết chặt, được ví von như “mùa đông gọi vốn”. Theo dự báo của CB Insights, nguồn vốn huy động được từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở châu Á sẽ giảm 31% trong quý IV năm nay cho đến nửa đầu năm sau.
Nguyên nhân là khẩu vị của các quỹ đầu tư mạo hiểm đã thay đổi khi kinh tế thế giới bao trùm bởi bất ổn địa chính trị, lạm phát tăng cao, tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đang khó khăn khi các cổ phiếu công nghệ giảm tốc.
Ví dụ, SoftBank - một “cá mập” hào phóng của các start-up, đang chịu mức lỗ cao nhất lịch sử (hơn 23 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022). Điều này buộc SoftBank phải chuyển sang chế độ phòng thủ bằng cách giảm mạnh các khoản đầu tư cho các công ty khởi nghiệp mới, thậm chí là bán bớt cổ phần trong nhiều start-up kỳ lân đã rót vốn như Alibaba, Uber…
Sự thắt chặt của dòng vốn đầu tư khiến các start-up nhận ra rằng, “đốt tiền” để duy trì tăng trưởng không còn là chiến lược phù hợp. Nhiều tên tuổi chuyển hướng sang tối ưu hóa chi phí hoạt động, như cắt giảm số lượng lớn nhân sự. Theo trang theo dõi hoạt động cắt giảm nhân sự Layoffs.fyi, hơn 83.000 người đã mất việc làm tại 657 start-up công nghệ trên toàn cầu kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Với những start-up lún quá sâu vào con đường “đốt tiền”, đóng cửa là hệ quả tất yếu. Tại Việt Nam, Propzy là cái tên đầu tiên dừng hoạt động vì cạn vốn. Dù đã gọi tổng cộng 37 triệu USD kể từ khi thành lập, start-up công nghệ bất động sản này vẫn không thể bù đắp được khoản lỗ liên tục sau nhiều năm. Đặc biệt, năm 2021, Propzy lỗ tới 155 tỷ đồng, trong khi doanh thu chưa tới 1 tỷ đồng. Việc không thể gọi thêm vòng vốn mới trong bối cảnh thị trường khó khăn chính là “cọng rơm cuối cùng đè chết con lạc đà”, xóa sổ hoạt động của start-up từng là ngôi sao sáng trong giới công nghệ này.
Start-up vượt sóng vươn cao
Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch và khó khăn khi dòng vốn đầu tư siết chặt, Việt Nam vẫn nổi lên như điểm sáng khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á. Nếu trước đại dịch Covid-19, Việt Nam có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, thì hiện nay đã tăng lên hơn 3.000 doanh nghiệp, trong đó có 4 cái tên được xếp hạng kỳ lân (VNG, VNLife, Sky Mavis và MoMo), theo thống kê của nền tảng khởi nghiệp Tracxn.
Trong năm 2021, tổng số tiền đầu tư vào start-up Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó của năm 2019. Việc này đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ ba trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Đây cũng là năm nổi lên của các start-up công nghệ trong mảng thương mại điện tử, giao nhận…, với nhiều giải pháp tích cực để “vượt bão”, đem lại hiệu quả tăng trưởng ấn tượng.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, đồng sáng lập, CEO của Loship cho biết, Covid-19 kích thích sự chuyển dịch trong hành vi mua sắm online của khách hàng và được Loship tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh chóng. Trong đại dịch, Loship trở thành một mắt xích quan trọng duy trì chuỗi cung ứng.
“Các dịch vụ giao đồ ăn, giao thực phẩm, đi chợ/siêu thị, hàng tạp hóa và chuyển phát nhanh của Loship trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân. Loship đã chứng kiến sự tăng trưởng hơn 200% số lượng giao dịch trên nhiều dịch vụ, bao gồm giao đồ ăn, đặc biệt là đi chợ và giao hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội”, CEO Loship tiết lộ.
Tận dụng sự chuyển dịch mua sắm - bán hàng online trong đại dịch, Loship cũng gia tăng đáng kể số lượng cửa hàng bán lẻ truyền thống lên nền tảng của mình. Nhiều nhà bán lẻ truyền thống từng cảm thấy khó chuyển dịch lên online vì không quen với công nghệ, thì nay được phía Loship hỗ trợ quy trình và thủ tục để chuyển đổi . “Loship ở đây như một nền tảng trực tuyến đến ngoại tuyến giúp kết nối người mua, người bán và người giao hàng. Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa hơn 80.000 cửa hàng bán lẻ của Việt Nam”, ông Trung cho biết.
Tương tự Loship, FoodHub - ứng dụng giúp kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp thực phẩm sạch (các cửa hàng, siêu thị, trang trại), đã ghi nhận màn tăng trưởng ấn tượng ngay trong đại dịch. Nhà sáng lập FoodHub Nguyễn Xuân Vinh từng chia sẻ với báo chí rằng, nếu trước dịch, ứng dụng này chỉ có 18.000 lượt người dùng, thì sau đó ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới trên 300%. Thậm chí có những thời điểm, FoodHub lọt top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên các kho ứng dụng.
“Đại dịch đã gây nên nhiều tổn thất cho chúng ta. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp như FoodHub đã tìm thấy cơ hội ngay trong đại dịch và nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp. Lượng người dùng tăng trưởng có lúc lên đến 400% đã cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng chọn thực phẩm sạch, an toàn để đảm bảo sức khoẻ, vượt qua dịch bệnh”, Nguyễn Xuân Vinh cho biết.
Trong giai đoạn này, nổi bật nhất có thể kể đến Tiki, khi bất ngờ thông báo hoàn tất vòng gọi vốn đầu tư thứ 5 với 258 triệu USD trong tháng 11/2021 và trở thành cái tên sáng giá trong danh sách kỳ lân tiềm năng thế hệ tiếp theo. Trong quý III/2021, dịch vụ giao thực phẩm tươi sống TikiNGON đã lập kỷ lục tăng trưởng khoảng 2.000% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hội viên sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh TikiNOW 2h cũng tăng gấp 3 lần, còn khối lượng hàng hóa của TikiPRO - dịch vụ giao hàng và lắp ráp theo lịch hẹn, tăng trưởng xấp xỉ 150%.
Thách thức trong “mùa đông gọi vốn”
Tiếp nối thành tựu năm 2021, nửa đầu năm 2022, hàng loạt start-up Việt Nam vẫn nhận được nguồn vốn “khủng” từ các quỹ đầu tư, bất chấp dòng vốn đầu tư mạo hiểm trên thế giới ảm đạm. Đó là Sky Mavis (150 triệu USD), Con Cưng (90 triệu USD), OnPoint (50 triệu USD), Entobel (30 triệu USD), Finhay (25 triệu USD), Jio Health (20 triệu USD), Timo (20 triệu USD), POC Pharma (10,3 triệu USD), Mio (8 triệu USD), OpenCommerce Group (7 triệu USD)…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, hầu hết các thương vụ đầu tư được công bố trong năm nay thực tế đã diễn ra vào năm ngoái. Bởi thông thường, các thương vụ triệu USD phải mất từ 6 tháng đến cả năm mới hoàn thành, đồng nghĩa thị trường đang có độ trễ và tình hình suy thoái sẽ chỉ nhìn rõ trong vòng 3-6 tháng nữa.
Nhưng trong nguy luôn có cơ, khủng hoảng lần này là cơ hội để thanh lọc thị trường, loại bớt những start-up duy trì đà tăng trưởng nhờ “đốt tiền”. Ở góc độ vi mô hơn, suy thoái buộc start-up trở về giá trị thực, quay lại với các hoạt động kinh doanh cốt lõi để thu hút khách hàng, tìm kiếm lợi nhuận từ mô hình kinh doanh của mình, thay vì tìm kiếm nguồn vốn mạo hiểm để duy trì đà tăng trưởng như trước.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam nhận định, “mùa đông gọi vốn” sẽ kéo dài ít nhất 2 năm. Trong bối cảnh nguồn vốn được xem là dòng máu của start-up cạn kiệt, dòng vốn mới không còn dồi dào như trước, start-up chỉ có 2 lựa chọn: một là dùng nguồn lực tự thân thì doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng, hai là dùng đòn bẩy tài chính (gồm gọi vốn và vay) thì doanh nghiệp sẽ khó chồng khó khi phải chịu mức lãi cao trong bối cảnh khủng hoảng.
Chia sẻ với Báo Đầu tư, CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung nhìn nhận, thời kỳ dòng tiền dễ dãi từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá đã qua. Các quỹ đầu tư hiện nay tìm kiếm các mô hình kinh doanh hoặc các start-up có thể phát triển có lợi nhuận và bền vững. Bản thân Loship luôn nhìn vào bảng cân đối tài chính để lên kế hoạch cân đối giữa quản lý vòng xoay tài chính - dòng tiền từ chính hoạt động của doanh nghiệp, song song với các chiến lược gọi vốn. 
Theo đó, Loship chấp nhận hy sinh trong ngắn hạn để đạt mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Loship chuyển đổi, tối ưu hóa mọi hoạt động kinh doanh và vận hành, bao gồm quản lý chặt chẽ P&L (báo cáo lãi lỗ, PV) của các dịch vụ, quản lý dòng tiền, cắt giảm lỗ, tối ưu ngân sách marketing, tái đàm phán về các chi phí với đối tác vận hành..​​.
Song Loship sẽ không áp dụng các chính sách cắt giảm chi phí về con người, bao gồm không cắt giảm nhân viên, không điều chỉnh chính sách tỷ lệ chia sẻ và thưởng đối với shipper của Loship. CEO Loship cho biết, xuyên suốt 5 qua, start-up này đã sinh tồn với các chiến lược phát triển trong điều kiện ngân sách hạn chế khá nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường.
“Từ trước đến nay, chúng tôi luôn cố gắng tận dụng tối đa và cẩn thận sử dụng từng đồng tiền chi ra. Loship đã tự học cách làm sao để phát triển hiệu quả với 10 đồng, mà vẫn đạt kết quả như doanh nghiệp dùng 100 đồng”, CEO Nguyễn Hoàng Trung khẳng định.
Theo ông Trung, nhờ chiến lược tối ưu chi phí và có bảng cân đối tài chính khoẻ mạnh, Loship dần giảm phụ thuộc nhiều vào dòng tiền đầu tư. Loship đang trong vị thế và tâm thế đàm phán với các nhà đầu tư thoải mái hơn, cũng như khiến chính các nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào chiến lược phát triển của Loship.
Theo baodautu.vn