Tin Tức

Tin Tức

Sửa đổi quy định hóa đơn, chứng từ phù hợp thực tế kinh doanh

(TBTCO) - Trong hành trình chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.

Sửa đổi, bổ sung 6 nhóm vấn đề về hóa đơn, chứng từ

Việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên cả nước đã góp phần hỗ trợ cơ quan thuế trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu HĐĐT cho các cơ quan khác của Nhà nước. Dữ liệu HĐĐT là nền tảng quan trọng để quản lý thuế hiệu quả, là động lực cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Thuế nói riêng và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) và xã hội nói chung.

Đối với các DN, hộ kinh doanh, việc áp dụng HĐĐT góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) cũng bộc lộ một số vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung.

Đề cập đến những nội dung cần tập trung sửa đổi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, yêu cầu việc sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ phải đảm bảo tôn trọng thực tiễn kinh doanh; phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, DN, người nộp thuế (NNT) và các tổ chức liên quan; đồng bộ về pháp luật đặc biệt là với pháp luật về kế toán; đảm bảo tiếp tục ứng dụng, phát triển được hệ thống HĐĐT và các ứng dụng sẵn có; đảm bảo nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính.

sua-doi-quy-dinh-hoa-don-chung-tu-phu-hop-thuc-te-kinh-doanh-20231205164819

“Đặc biệt, công tác quản lý hóa đơn cần phải trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho NNT chấp hành tốt chính sách pháp luật, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ với trường hợp cố tình vi phạm” - Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Thông tin về những nội dung sửa đổi Nghị định 123, bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung 6 nhóm vấn đề chính. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc lập hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn, nội dung hóa đơn, xử lý hóa đơn lập sai nhằm quy định minh bạch, tạo thuận lợi cho NNT thực hiện.

Đồng thời, dự thảo bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi DN đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng HĐĐT; hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng biên lai, chứng từ điện tử.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; trách nhiệm của cán bộ thuế trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quy định; hoàn thiện quy định về tra cứu, cung cấp sử dụng thông tin HĐĐT. Hoàn thiện các biểu mẫu theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu.

Chính sách công khai, công bằng đảm bảo cho doanh nghiệp

Kể hoàn thiện Nghị định 123, Tổng cục Thuế đã tổ chức loạt các hội nghị lấy ý kiến của cơ quan thuế các tỉnh, thành phố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số DN trong và ngoài nước để tìm giải pháp tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong triển khai HĐĐT; đồng thời, xây dựng chính sách khách quan, minh bạch, tạo thuận lợi cho DN, người dân cũng như công tác quản lý thuế.

Tại các hội nghị lấy ý kiến, đại diện một số DN đã đề xuất và cho rằng, quy định hóa đơn phải thể hiện mã số định danh của người mua là không khả thi, bởi người bán không thể yêu cầu người mua phải kê khai thông tin về mã số định danh, vì đây là những thông tin cá nhân.

Thêm vào đó, người bán không có cơ chế xác nhận việc mã số định danh do người mua cung cấp là có chính xác hay không, có đáp ứng điều kiện “mã định danh theo quy định pháp luật và xác thực điện tử” hay không..., để thể hiện lên hóa đơn. Việc này sẽ gây rủi ro cho DN khi thực hiện xuất hóa đơn, nên cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.

Còn về quy định về thời điểm lập hóa đơn trong trường hợp hàng hóa trả lại, bà Hà Thị Tường Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, góp ý trường hợp trả lại hàng mua thì cần quy định bên mua lập hóa đơn sẽ hợp lý hơn là bên bán. Việc điều chỉnh hóa đơn chưa rõ ràng gây nhiều hiểu nhầm cho NNT, vì đã có trường hợp người bán tự điều chỉnh không thông báo ảnh hưởng bên mua.

Đại diện Công ty Canon Việt Nam góp ý, dự thảo nên đưa ra nguyên tắc người bán phải lập hóa đơn trong các trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; khi tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc...

Bởi theo đại diện Công ty Canon, khi tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ, hoặc xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa, DN đã thực hiện thủ tục hải quan và xuất hóa đơn thương mại theo đúng quy định.

Hoạt động này của DN không phải là hoạt động bán hàng, dịch vụ, không nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, doanh thu tại thị trường Việt Nam mà chỉ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu của DN và chỉ thực hiện trong thời gian nhất định. Vì vậy, việc phải xuất thêm hóa đơn nội địa của hệ thống thuế sẽ làm phát sinh thủ tục, tăng thêm nhân lực. DN đề xuất bỏ các quy định này sẽ giúp DN đơn giản hóa các thủ tục và hoạt động được quản lý tập trung bởi 1 đầu mối là hải quan.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của DN, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của cộng đồng DN. Quan điểm của Tổng cục Thuế là xây dựng chính sách công khai, công bằng, tạo thuận lợi hơn cho các DN làm ăn chân chính cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Mới