Tin Tức

Tin Tức

Thảo luận tình hình kinh tế, đại biểu Quốc hội lo nhất doanh nghiệp quá khó khăn

[Đọc tin tức hằng ngày cùng Diệp Luật sư]

Nếu không giải quyết nhanh các vướng mắc cho doanh nghiệp, thì hoạt động của doanh nghiệp bị cản trở, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Mà doanh nghiệp khó thì nền kinh tế sẽ khó khăn.

Các chính sách mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới

"Nếu doanh nghiệp không có đơn hàng thì cũng không vay vốn để làm gì. Trước hết, các vấn đề doanh nghiệp cần phải giải quyết là có đơn hàng, có sản xuất thì mới có thể hấp thụ vốn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần tháo gỡ, để có dòng tiền trả nợ đến hạn, trả lương, đóng thuế…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi trong phiên thảo luận tại Tổ 12 về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25/5.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là dòng tiền, thị trường, đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn.

Những khó khăn từ thị trường thế giới, từ năng lực cạnh tranh nội tại, như năng suất lao động, khả năng chống chịu chưa thể cải thiện nhanh. 

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư đặc biệt nhấn mạnh đến khó khăn rất lớn hiện tại là ách tắc thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đang kêu ca, lo ngại về tình hình thực hiện các thủ tục rất chậm ở nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ giải quyết công việc. 

“Nếu chúng ta không giải quyết nhanh vấn đề này thì hoạt động của doanh nghiệp bị cản trở, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Mà doanh nghiệp khó thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Mong các đại biểu ở các đoàn giám sát ngay các công việc ở địa phương, để qua giám sát, ý kiến của các đại biểu quốc hội, các địa phương cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị trực tiếp với các vị đại biểu Quốc hội Tổ 12, gồm các đại biểu đoàn Cần Thơ, Quảng Trị, Ninh Bình và Hưng Yên.

Ông lo ngại, môi trường kinh doanh vừa qua làm tốt, cắt giảm hàng ngàn điều kiện kinh doanh, cắt giảm nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, ở đâu đó, các chính sách mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới.

“Ở địa phương phối hợp không chặt chẽ, lấy ý kiến các ngành nhiều quá, nhiều cái không cần thiết, không đúng. Cần chấn chỉnh ngay  thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp”, Bộ trưởng kiến nghị.

Chưa bàn điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, cần các đại biểu Quốc hội cùng giám sát

Phát biểu trước đó, nhiều đại biểu đã nhắc tới những khó khăn lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, sau khi đã có được những nỗ lực để có được mức tăng trưởng quý I/2023 là 3,32%, dù trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong bối cảnh khó khăn rất lớn của kinh tế thế giới thì cũng khá tốt.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, thách thức phía trước rất lớn, nhất là đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023. “Để đạt được tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong các quý tới là rất khó”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, chưa điều chỉnh chỉ tiêu này, vì phải nỗ lực phấn đấu, tìm giải pháp, tìm cơ hội để bù đắp, chứ điều chỉnh ngay, mất động lực phấn đấu.

Trong báo cáo của Chính phủ đã nêu, suốt năm 2022 và đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,  các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị để tháo gỡ ách tắc, khó khăn, để có cơ sở pháp lý giải quyết được tồn tại, hạn chế, để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Quốc hội cũng rất ủng hộ, Chính phủ quyết liệt, chủ động, các địa phương cũng rất nỗ lực, doanh nghiệp, người dân cũng cố gắng, nhưng tình hình vẫn chậm.

“Trước các đại biểu hay chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về chậm giải ngân đầu tư công, nhưng giờ phân cấp hết cho các địa phương, từ chọn dự án, lập thủ tục, đề xuất, phân bổ chi tiết đến thực hiện giải ngân, giải phóng mặt bằng... Bộ chỉ còn làm công tác tổng hợp. Mong các đại biểu giám sát ngay địa phương mình, để làm rõ vì sao cùng thể chế như nhau sao có địa phương làm tốt, có nơi không tốt. Nghĩa là nhiều vấn đề ở tổ chức thực hiện chứ không nằm ở pháp luật”, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến những chồng chéo, không rõ ràng của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đang tập trung rà soát, có nhiều đề xuất và được Quốc hội ủng hộ, như các cơ chế đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ nhanh... Nhưng vấn đề thực thi là địa phương, nhất là người đứng đầu.

"Rất cần sự tham gia giám sát, đôn đốc của các vị đại biểu Quốc hội tại địa phương, để cùng với Chính phủ thúc đẩy tốc độ tháo gỡ khó khăn. Chứ một Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Chính phủ thôi thì rất khó”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiến nghị.

Có thể kéo dài chính sách giảm thuế suất thuế VAT

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Cần Thơ còn dự liệu, khả năng trở lại tốc độ tăng trưởng như bình thường có thể phải cuối năm 2024.

“Cầu nội địa đang giảm sâu, cần có những chính sách dài hơi hơn”, đại biểu Hùng đặt vấn đề khi cho rằng, đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT với phần lớn mặt hàng đang có thuế suất VAT là 10% chưa đủ dài.

Ông Hùng cho rằng, chính sách này sẽ khiến ngân sách giảm thu, như với chính sách này của năm ngoái, ngân sách đã hụt thu 44.000 tỷ đồng, nhưng đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, dành nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, giúp người tiêu dùng tăng chi tiêu, từ đó đóng trở lại cho ngân sách, từ đó bù đắp cho ngân sách vượt hơn con số hụt thu.

“Tôi đồng ý và đánh giá cao đề xuất này của Chính phủ, nhưng có câu hỏi là sao không đề xuất sớm hơn, để thực hiện từ tháng 1/2023. Theo đề xuất hiện tại là thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết năm, là 6 tháng, với khoản hụt thu dự tính là 35.000 tỷ đồng. Nhưng bối cảnh 2023 khác với 2022, khó khăn hơn, không hiểu giảm thuế này có giúp nhiều cho doanh nghiệp như năm ngoái không”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng lo ngại.

Đây là lý do vị đại biểu này cho rằng, có thể cân nhắc tăng mức giảm thuế suất, lên 3% thay vì 2% hoặc kéo dài thời gian lên 1 năm, tới giữa năm 2024.

Lo nông dân không còn sức chống đỡ 

Không chỉ lo ngại doanh nghiệp khó khăn, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, (đoàn Cần Thơ) còn lo sức khỏe của hộ nông dân.

Tôi tiếp xúc cử tri làm nông nghiệp, rất lo lắng. Báo cáo thì vẫn nói nông nghiệp là trụ đỡ, nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp đang rất khó khăn. Một doanh nghiệp đóng cửa,  phá sản thì có thể biết ngay vì có đăng ký, nhưng vài chục hộ nông dân ngừng sản xuất thì khó nắm ngay được vì không đăng ký”, đại biểu Phương chia sẻ thực tế.

Lý do, theo ông Phương, chi phí đầu vào của các hộ nuôi tôm tăng rất lớn, người nông dân do khó vay vốn, nên thường phải chọn cách mua nợ của đại lý, nên chi phí càng tăng hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đi nhập khẩu tôm nguyên liệu về chế biến để giảm chi phí.

"Chúng ta hay nói, nông nghiệp là trụ đỡ khi khó khăn, nhưng tình hình này thì không biết nông dân có sức đỡ được bao lâu. Trong bối cảnh này, cần liên kết nông dân với doanh nghiệp thực sự, vì nói nhiều nhưng thực tế chưa làm được nhiều. Liên kết nông dân để nông dân đủ mạnh; nhưng doanh nghiệp  cũng phải nhìn nhận vấn đề, thực trạng của nông dân để có sự hỗ trợ", đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu đề xuất.

ST