Tin Tức

Tin Tức

Trốn lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, tiếp tục lừa hàng loạt người dân, doanh nghiệp

Với vỏ bọc tự xưng là Trưởng Ban QLDA một tập đoàn lớn tại Quảng Bình, có người thân làm việc ở Trung ương, Trương Thị Lan Anh đã thực hiện các màn lừa đảo từ chạy dự án, xin biên chế, chuyển vị trí công tác… khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp sập bẫy. Khi bị điều tra, xét xử, người này liên tiếp mang bầu, sinh con để hoãn thi hành bản án 16 năm tù. Và trong thời gian hoãn thi hành án, Trương Thị Lan Anh đã rời Quảng Bình ra Hà Tĩnh tiếp tục lừa đảo.
Mặc đẹp, đi xe sang tiếp tục lừa đảo
Lợi dụng tính nhân đạo của pháp luật và sự lỏng lẻo trong việc kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, Trương Thị Lan Anh (SN 1988, trú tại phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã trốn khỏi nơi cư trú, ra Hà Tĩnh thuê chung cư để ở rồi tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị H. (trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), vào tháng 9/2022, nghe tin Trương Thị Lan Anh có mối quan hệ rộng nên chị nhờ chạy vào biên chế giáo viên mầm non, đồng thời chuyển cho người này số tiền 115 triệu đồng.
Khi thấy thông báo kết quả không có tên trong danh sách trúng tuyển, chị H. đã liên lạc lại với Lan Anh và đòi lại được 70 triệu đồng. Mấy hôm sau, Lan Anh lại thông báo với chị H., nếu chuyển thêm tiền thì sẽ có tên trong danh sách bổ sung, vì thế chị H. đã tin lời và chuyển tiếp 130 triệu đồng, tổng cộng cả tiền trước đó là 175 triệu đồng.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chị H. vẫn không có tên trong danh sách bổ sung. Khi chị H. đòi lại tiền thì Lan Anh hứa hẹn hết ngày này qua ngày khác. Đến khi chị H. dọa báo công an thì Lan Anh mới trả lại 60 triệu đồng, hiện còn thiếu của chị H. 90 triệu đồng. Chị H. đã có đơn gửi Công an tỉnh Hà Tĩnh.
Tương tự, vào tháng 9/2022, qua các một số lời giới thiệu, chị Nguyễn Thị Thuỳ D. (trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhờ Trương Thị Lan Anh xin vào biên chế giáo viên mầm non, nên trong 2 ngày 16 và 17/9/2022 chị D. đã chuyển cho Trương Thị Lan Anh số tiền 100 triệu đồng.
Sau khi không đạt kết quả, chị D. đòi lại tiền thì từ ngày 5/1- 24/2/2023, Trương Thị Lan Anh chỉ trả được 65 triệu đồng.
Cả chị H. và chị D. đều khẳng định đã gặp Trương Thị Lan Anh nhiều lần tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Không chỉ lừa chạy việc, Trương Thị Lan Anh còn “nổ” là làm việc tại Ban QLDA KKT tỉnh, có cô ruột là cán bộ cấp cao, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Lan Anh nói mình có thể can thiệp trong việc trúng thầu.
Để các doanh nghiệp tin tưởng, nhiều lần Lan Anh gọi điện, đưa ra nhiều cuộc gọi, tin nhắn chứng minh có trao đổi qua lại với một số lãnh đạo, giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, Lan Anh yêu cầu các doanh nghiệp chuyển tiền đặt cọc để "chạy việc".
Điển hình là một giám đốc đã 3 lần chuyển vào tài khoản của Trương Thị Lan Anh với tổng số tiền 715 triệu đồng. Còn ông Ngô Tiến D. (SN 1969, trú tại thành phố Nam Định) thì đã 4 lần chuyển khoản cho Trương Thị Lan Anh và 1 lần đưa tiền mặt với tổng cộng 450 triệu đồng.
Tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của các bị hại, sau khi làm rõ các chứng cứ, ngày 26/4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Trương Thị Lan Anh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quyết định trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian chờ thi hành án tù, đối tượng thường xuyên ăn mặc đẹp, đi xe sang, tìm cách tiếp cận và tạo lập các mối quan hệ để tiếp xúc, làm quen rồi chụp hình, cắt ghép hình ảnh có liên quan với lãnh đạo ở trung ương và lãnh đạo tỉnh để thể hiện là người có mối quan hệ rộng.
Từ đó, Lan Anh đã tạo lòng tin và hứa xin việc làm, chuyển vị trí công tác, đấu thầu công trình, nhận làm sổ đỏ, chạy dự án, chạy án... cho nhiều người.
Quá trình đấu tranh, lực lượng công an đã làm rõ, bằng thủ đoạn trên, đối tượng Trương Thị Lan Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt của 15 nạn nhân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh số tiền gần 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trương Thị Lan Anh còn bị nghi làm giả tài liệu, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để xin hoãn thi hành án từ năm 2015 đến nay, rồi lẩn trốn nhiều địa bàn trên toàn quốc để tiếp tục hoạt động phạm tội.
Ai quản lý người hoãn thi hành án?
Nói về trách nhiệm quản lý người được hoãn thi hành án, ông Hoàng Văn Tùy, Chủ tịch UBND phường Bắc Nghĩa (TP Đồng Hới) cho biết, Trương Thị Lan Anh đăng ký thường trú tại nhà bà ngoại (nằm trên địa bàn phường), tuy nhiên, không mấy khi đối tượng ở đây.
“Do đối tượng không có nơi ở ổn định, không tham gia sinh hoạt ở tổ chức nào nên rất khó quản lý. Từ khi tôi lên làm chủ tịch phường đến nay (tháng 8/2020 - PV), Lan Anh chưa bao giờ xin phép mà tự ý rời khỏi nơi cư trú”, ông Tùy khẳng định.
Theo ông Tùy, hằng tháng, hằng quý cảnh sát khu vực có đưa hồ sơ của Trương Thị Lan Anh sang ký, chỉ nhận xét trên hồ sơ, đối tượng không có mặt. Cuối năm, Lan Anh mới về trình diện 1 lần kết hợp xin hoãn thi hành án.
Nhận xét về hiệu quả trong công tác quản lý người được hoãn thi hành án, Chủ tịch UBND phường Bắc Nghĩa thừa nhận: “Đối tượng thuộc trách nhiệm của địa phương quản lý, tuy nhiên, trong thời gian hoãn thi hành án vẫn rời khỏi nơi cư trú tiếp tục lừa đảo thì rõ ràng địa phương cũng như công an và các cơ quan ban ngành được giao chưa làm tốt nhiệm vụ của mình. Chúng tôi xin rút kinh nghiệm và có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giám sát các đối tượng sau được tốt hơn”.
Công an Quảng Bình cũng đã có thông báo, ai là nạn nhân của đối tượng Trương Thị Lan Anh thì liên hệ cơ quan điều tra để được giải quyết.
Nguồn ST