Xét xử phúc thẩm vụ AIC: Luật sư nhắc đến 'bất cập' khiến bác sỹ vướng lao lý
[Đọc tin tức hằng ngày cùng Diệp Luật sư]
Ngày 23/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ AIC tiếp tục với phần tranh luận.
Trong số các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị truy tố trong vụ AIC, ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) không kháng cáo. Riêng bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phan Huy Anh Vũ với vai trò là Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đại diện Chủ đầu tư, được giao trách nhiệm quản lý dự án theo quy định của pháp luật.
Nhưng bị cáo Vũ đã tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi thông thầu, giúp cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, ông Vũ đã nhiều lần nhận 14,8 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và thuộc cấp.
HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 10 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 9 năm tù vì tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 19 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đánh giá bị cáo Vũ đã tích cực tác động gia đình khắc phục hậu quả 500 triệu đồng, được Sở Y tế Đồng Nai có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên có cơ sở giảm nhẹ tội cho bị cáo ở tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với mức giảm 30- 36 tháng tù.
Theo đại diện VKS, ông Vũ bị xác định phạm tội nhiều lần ở cáo buộc nhận hối lộ.
Bào chữa cho cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, luật sư Giang Hồng Thanh đưa ra quan điểm: ông Phan Huy Anh Vũ được hàng ngàn bệnh nhân, người dân, hàng ngàn cán bộ y tế xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, có nhiều cơ quan trong tỉnh Đồng Nai đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho ông Vũ, nhưng tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận đây là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 51 là chưa phù hợp.
Luật sư cho rằng, quy định của pháp luật trước đây, việc lựa chọn nhà thầu phải căn cứ vào 3 báo giá của 3 đơn vị khác nhau. Đây là bất cập của pháp luật, bởi lẽ đối với loại hàng hóa phân phối độc quyền thì không thể có được 3 báo giá. Bất cập này là một trong những nguyên nhân khiến cho bác sỹ Vũ vướng vòng lao lý.
Ngày 4/3/2023 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP, trong đó nêu rõ: Đối với các gói thầu về trang thiết bị y tế, chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối.
“Nếu quy định này có vào thời điểm xảy ra vụ án, chưa chắc bác sỹ Vũ đã phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, lời luật sư.
Vẫn theo luật sư Giang Hồng Thanh, cách tính thiệt hại trong vụ án AIC không chính xác. số tiền thiệt hại của 16 gói thầu không phải là hơn 148 tỷ đồng mà thấp hơn rất nhiều.
Đối với tội Nhận hối lộ mà bị cáo Vũ bị truy tố, luật sư đưa ra quan điểm: Dù có 6 lần AIC gửi tiền cảm ơn cho bác sỹ Vũ, nhưng đề nghị không chấp nhận tình tiết phạm tội 2 lần trở lên. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS, các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
HĐXX nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 10h chiều (24/5).
ST